OBAMA VÀ CÁC CUỘC CHIẾN NĂNG LƯỢNG MỚI

Thật là ghê tởm. Thật là nham hiểm. Chẳng còn một chút đạo đức quốc tế. Đó là tấn công vào lối sống của người Mỹ. Đó là điều bạn có thể chờ đợi từ người Á Rập không chút lương tâm. Đó là “vũ khí dầu lửa” vào năm 1973, nhằm vào Hoa Kỳ.

Nhưng bốn thập kỷ sau, đó cũng là thông minh, là hữu hiệu, và là lối hành xử hàng ngày của chính quyền Mỹ. Obama đã chiếm hữu làm dụng cụ thiết yếu trong quan hệ quốc tế, một phương cách tấn công mới đối với các quốc gia người Mỹ xem như thù nghịch, chẳng cần đến phi cơ, tên lửa, hay quân đội. Đã hẳn, đó cũng chính là vũ khí dầu lửa.

Cho đến gần đây, việc sử dụng cụm từ “vũ khí dầu lửa” phần lớn được nhận diện như nỗ lực của các xứ Á Rập tìm cách ngăn cản Hoa Kỳ hậu thuẩn cho Do Thái, qua biện pháp cắt giảm dòng chảy dầu lửa. Sự kiện đáng nhớ nhất về việc sử dụng biện pháp nầy là việc cấm vận áp đặt bởi các thành viên OPEC — ngăn ngừa xuất khẩu dầu lửa qua Hoa Kỳ trong cuộc chiến Á Rập-Do Thái năm 1973 — gây ra nạn khan hiếm dầu ở Hoa Kỳ, những hàng dài xe nối đuôi nhau tại các trạm xăng, và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Sau khi gánh chịu hậu quả lớn lao từ cấm vận, Hoa Thịnh Đốn đã phải chấp nhận từ bỏ và ngăn ngừa khả năng tái sử dụng năng lượng như một vũ khí. Giải pháp bao gồm cả việc gia tăng chương trình sản xuất dầu quốc nội và thiết chế kế hoạch hỗ trợ, do Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế IEA giám sát, buộc các quốc gia thành viên phải san sẻ năng lượng với bất cứ quốc gia thành viên nào bị cấm vận.

Do đó, có thể xem đây là quyết đinh trái ngược đáng ngạc nhiên. Sau khi đã thử nghiệm vũ khí dầu lửa chống lại Iraq của Saddam Hussein với tác động tai họa trong thập kỷ 1990, Hoa Thịnh Đốn giờ đây lại là quốc gia nòng cốt sử dụng cùng loại vũ khí, với các chế tài mậu dịch và các phương tiện khác nhằm giảm thiểu số xuất khẩu của các quốc gia sản xuất năng lượng – những xứ Hoa Kỳ xem như thù nghịch. Chính quyền Obama đã dõi theo con đường gây hấn nầy ngay cả khi hiểu rõ nguy cơ khan hiếm trong số cung năng lượng toàn cầu.

Khi được sử dụng lần đầu, vũ khí dầu lửa nhằm khai thác tình trạng lệ thuộc nặng nề của thế giới kỹ nghệ vào số dầu lửa nhập khẩu từ Trung Đông. Tuy nhiên, sau một thời gian, các quốc gia sản xuất cũng đã trở nên ngày một lệ thuôc vào số thu nhập từ dầu xuất khẩu để tài trợ chính quyền và cải thiện mực sống của công dân.

Hoa Thịnh Đốn giờ đây đang tìm cách khai thác tình trạng nầy qua việc lựa chọn các đối tượng để từ chối khả năng tiếp cận các thị trường dầu lửa thế giới, hoặc qua chế tài hoăc sử dụng vũ lực, và bằng cách đó, tước đoạt nguồn thu nhập để tài trợ các hoạt động của các quốc gia sản xuất năng lượng.

Ngày 23-9-2014, trường hợp bi thiết nhất đã xẩy ra, khi phi cơ Hoa Kỳ đã bỏ bom tàn phá các nhà máy lọc dầu và các cơ sở năng lượng khác trong nhiều khu vực giàu trữ lượng ở Syria do Nhà Nước Iraq và Syria kiểm soát (ISIS, còn được biết dưới tên gọi ISIL hay IS). Một phong trào cực đoan và một “caliphate” mới hình thành, ISIS không phải là một xứ sản xuất năng lượng quan trọng, nhưng đã nắm quyền kiểm soát nhiều khu giàu trữ lượng và các nhà máy lọc dầu trước đó đã do chế độ Bashar al-Assad ở Đông Syria điều hành. Số thu nhập từ vùng nầy được ước tính khoảng từ 1 đến 2 triệu USD mỗi ngày, được ISIS sử dụng để tài trợ một phần chi phí hoạt động quan trọng. Thực tế nầy đã mang lại cho phong trào phương tiện tài trợ chiến dịch tuyển mộ, và hổ trợ hàng nghìn chiến binh các nước ngoài, ngay cả với các cuộc hành quân với nhịp độ nhanh.

Các tay buôn chợ đen ở Iran, Iraq, Syria, và Turkey rõ ràng đang hỗ trợ ISIS trong nỗ lực nầy, thu mua dầu thô với giá thấp và bán lại theo giá thị trường toàn cầu, lúc đó vào khoảng 90 USD mỗi thùng (barrel). Điều oái oăm là hệ thống xuất khẩu thầm lén nầy vốn đã được chế độ Saddam Hussein thiết kế trong thập kỷ 1990 để tránh né các chế tài của Hoa kỳ đối với Iraq.

Nhà Nước Hồi Giáo đã tỏ ra khá khôn ngoan trong việc khai thác các khu dầu dưới quyền kiểm soát, và bán cho các tay buôn trung gian thuộc các lực lượng đối nghịch, kể cả chế độ Assad. Để chấm dứt tình trạng nầy, Hoa Thịnh Đốn đã phát động chiến dịch không tạc dài lâu các khu dầu và các cơ sở hạ tầng liên hệ. Với chiến dịch nầy, Obama rõ ràng hy vọng giảm thiểu số thu nhập từ dầu lửa xuất khẩu và khả năng chiến đấu của Nhà Nước Hồi Giáo. Khi công bố chiến dịch dội bom, T T Obama đã nói rõ: chủ đích các cuộc tấn công là nhằm triệt tiêu các “mục tiêu khủng bố” và “cắt đứt nguồn tài trợ của ISIL.”[1]

Hiện quá sớm để có thể lượng định tác động của các cuộc không tập đối với khả năng khai thác và bán dầu của ISIS. Tuy nhiên, vì phong trào hiện chỉ sản xuất khoảng 80.000 barrels mỗi ngày (lối 1/1000 số tiêu thụ dầu trên thế giới), các cuộc không tạc, nếu thành công, cũng không có tác động đáng kể đối với số cung trên thị trường toàn cầu vốn sẵn ngày một dồi dào hơn, một phần do sự bùng nổ trong ngạch số sản xuất của một “Saudi Arabia” mới — Hoa Kỳ.

Trong thực tế, chính quyền Obama cũng đang nắm trong tay vũ khí năng lượng chống lại hai quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới — Iran và Nga. Các nỗ lực nầy, kể cả cấm vận và chế tài mậu dịch, rất có thể đã có ảnh hưởng lớn lao hơn nhiều trên ngạch số sản xuất toàn cầu, phản ảnh lòng tin của Tòa Bạch Ốc: “khi theo đuổi các quyền lợi chiến lược của mình, Hoa Kỳ sẵn sàng vận dụng mọi phương tiện khả hữu.”[2]

QUAN HỆ VỚI IRAN

Đối với Iran, Hoa Thịnh Đốn luôn có nhiều hành động gây hấn nhằm làm suy giảm khả năng tài trợ chương trình nguyên tử lớn lao, cùng lúc ngăn chặn mọi khả năng tiếp cận kỹ thuật khai thác dầu lửa của Tây Phương, cũng như giảm thiểu tiềm năng xuất khẩu.

Theo Luật Chế Tài Iran, tất cả các xí nghiệp ngoại quốc đầu tư vào kỹ nghệ dầu Iran đều bị từ chối mọi tiếp cận với các thị trường tài chánh Hoa Kỳ và chịu nhiều hình phạt khác.

Ngoài ra, chính quyền Obama cũng đã ngày một gia tăng áp lực đối với các xứ khát dầu, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn, và các cường quốc Âu Châu, nhằm giảm thiểu hay loại bỏ khả năng nhập khẩu dầu từ Iran.

Tất cả các biện pháp đều nhằm hạn chế ngày một ngặt nghèo hơn các giao dịch tài chánh liên quan tới nghiệp vụ xuất khẩu dầu và đã tác động lớn lao đến ngạch số sản xuất dầu của Iran. Theo vài ước tính, ngạch số xuất khẩu đã sụt giảm khoảng một triêu barrels mỗi ngày, một bách phân đáng kể trong số cung toàn cầu. Do đó, số thu nhập từ dầu xuất khẩu của Iran được ước tính đã sụt giảm từ 118 tỉ USD trong các năm 2011-2012 xuống còn 56 tỉ trong hai năm 2013-2014, trong khi người dân Iran đã phải gánh chịu nhiều thương tổn đủ loại.

Trước đây, mỗi khi số cung dầu toàn cầu trở nên khan hiếm, một sụt giảm một triệu barrels mỗi ngày có thể đã gây ra khan hiếm khắp nơi và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, chính quyền Obama giả thiết chỉ một mình Iran là bị thương tổn trong tình hình hiện nay. Lý do là nhờ ở số sản xuất năng lượng của Bắc Mỹ gần đây đã tăng vọt, phần lớn qua việc áp dụng kỹ thuật “hydro-fracking” để khai thác dầu và hơi đốt thiên nhiên từ nham thạch hay đá phiến, và ngạch số sản xuất dầu thô đã gia tăng từ các quốc gia ngoài OPEC.

Theo các số liệu gần đây nhất của Bộ Năng Lượng (DoE), sản lượng dầu thô của Hoa Kỳ đã gia tăng từ 5,7 triệu barrels mỗi ngày trong năm 2011 lên 8,4 triệu barrels trong quý hai năm 2014, một gia tăng 47%. DoE tiên đoán sản lượng quốc nội của Hoa Kỳ sẽ gia tăng lên 9,6 triệu barrels mỗi ngày vào năm 2020, đẩy Hoa Kỳ lên hàng ngũ các quốc gia sản xuất năng lượng hàng đầu trên thế giới.

Đối với chính quyền Obama, kết quả đã khá rõ ràng. Không những kích cỡ lệ thuộc vào dầu nhập khẩu của Hoa Kỳ đã sụt giảm đáng kể, mà còn, với sự kiện Hoa Kỳ tiêu thụ dầu nhập khẩu ngày một ít hơn, các xứ lệ thuộc dầu nhập khẩu như Ấn Độ, Nhật, Trung Quốc, và Nam Hàn vẫn còn đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu ngay cả nếu sản lượng dầu của Iran ngày một sụt giảm.

Kết quả: Hoa Thịnh Đốn đã có thể có được sự hợp tác ngày một chặt chẽ hơn từ các xứ liên hệ đối với các biện pháp chế tài Iran do Hoa Kỳ áp đặt – một điều các xứ nầy chắc đã khá do dự nếu số cung năng lượng toàn cầu ít dồi dào hơn.

Ngoài ra, còn có một yếu tố quyết định khác trong việc sử dụng vũ khí năng lựợng mang tính gây hấn như một thành tố chính yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Sản lượng dầu thô quốc nội ngày một gia tăng đã đem lại cho cấp lãnh đạo Hoa Kỳ một nhận thức mới về quyền lực tuyệt đối của năng lượng, cho phép họ chứng kiến một cách thích thú và tự hào đà tuột dốc trong số dầu xuất khẩu của Iran.

Trong bài nói chuyện vào tháng tư năm 2013 tại Đại Học Columbia, Tom Donilon, lúc đó đang giữ chức vụ cố vấn an ninh quốc gia của Obama, đã công khai biểu lộ viễn tượng thành công vừa nói với đầy đủ đức tin. Donilon đã thú nhận: “Thực lực năng lượng mới của Hoa Kỳ cho phép chúng ta hành động với tư thế hùng mạnh hơn. Số cung năng lượng ngày một gia tăng của Hoa Kỳ được nhận thức như một bảo đảm giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương trước các tác động xáo trộn và các cú sốc giá cả tăng vọt. Nó cũng tăng cường khả năng theo đuổi và thể hiện các mục tiêu an ninh trên thế giới của chúng ta.”

Donilon cũng nói rõ, vị thế mạnh mẽ nầy đã được phản ảnh trong quan hệ của Hoa Kỳ với Iran. Theo ông, để gây áp lực với Tehran, “Hoa Kỳ đã tích cực vận động ngoại giao để thuyết phục các quốc gia tiêu thụ chấm dứt hoặc giảm thiểu tiêu thụ dầu Iran. Cùng lúc, sự gia tăng lớn lao trong số dầu sản xuất ở Mỹ và nhiều xứ khác đã có nghĩa các chế tài quốc tế và nỗ lực của các đồng minh có thể loại bớt trên một triệu barrels dầu Iran mỗi ngày trong khi tối thiểu hóa các gánh nặng trên phần còn lại của thế giới.”[3]

Theo Donilon, chính hoàn cảnh lạc quan nầy đã buộc Iran phải chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị.

ĐỐI ĐẦU VỚI VLADIMIR PUTIN

Cũng chính hoàn cảnh thuận lợi trên đây hiện đang chi phối chính sách của Hoa Kỳ đối với Nga.

Trước ngày Nga chiếm đóng Crimea và kín đáo can thiệp vào Đông Ukraine, các đại công ty năng lượng Tây Phương, kể cả BP, Chevron, ExxonMobil, và Total của Pháp, đã luôn theo đuổi các kế hoạch tinh vi bắt đầu khai thác dầu trong những khu vực do Nga kiểm soát trong vùng Hắc Hải và Bắc Đại Dương (Arctic), chính yếu là cộng tác với các xí nghiệp do nhà nước Liên Bang Nga sở hữu hay kiểm soát như Gazprom và Rosneft; chẳng hạn như một số các công ty hợp doanh lớn giữa Exxon và Rosnev đang khoan dầu và hơi đốt trong những vùng biển giàu năng lượng.

Rex Tillerson, CEO của Exxon, năm 2012, đã hãnh diện thổ lộ khi ký kết thỏa hiệp: “Các thỏa ước nầy là những cột mốc quan trọng trong quan hệ chiến lược… Nay tiêu điểm sẽ bước qua giai đoạn hoạch định và thực thi các hoạt động thăm dò an toàn và trách nhiệm môi trường, với chủ đích phát triển số cung năng lượng mới đáp ứng nhu cầu toàn cầu.”[4]

Được xem như một mối lợi đối với các công ty năng lượng Hoa Kỳ và kinh tế toàn cầu đang lệ thuộc vào số cung năng lượng, phần lớn các chương trình tương tự luôn được các quan chức Hoa Kỳ sẵn sàng đón nhận.

Các hình thức cộng tác như vậy giữa các công ty Hoa Kỳ và các xí nghiệp quốc doanh Nga do đó đều được xem như hữu lợi đối với cảc đối tác cả đôi bên. Exxon và các công ty Tây Phương đã được phép tiếp cận những khu vực mới có nhiều trữ lượng rộng lớn – một điều khá hấp dẫn vào thời điểm nhiều khu dầu hiện hữu trong các nơi khác trên thế giới đang cạn kiệt dần.

Riêng đối với người Nga, họ cũng đang đối diện với đà sụt giảm đáng kể trong các khu dầu hiện hữu, tiếp cận được với các kỹ thuật thăm dò và khai thác năng lượng tiền tiến Tây Phương hứa hẹn khả năng khai thác các khu vực khó tiếp cận trong vùng Arctic và các môi trường thăm dò và khai thác cực kỳ khó khăn khác.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, các khuôn mặt then chốt cuả cả hai bên đã tìm cách tách biệt các thỏa ước khỏi các chế tài mới được áp đặt lên Nga như một đáp ứng trước các động thái xâm nhập vào Ukraine của Nga. Tillerson đang đặc biệt tìm mọi cách thuyết phuc các lãnh đạo Hoa Kỳ chước miễn các thỏa ước giữa Exxon và Rosneft khỏi các biện pháp như thế, và trong tháng 6 vừa qua, đã tiết lộ: “Quan điểm của chúng tôi đang được các lãnh đạo cao cấp lắng nghe.”[5]

Do các vận động vừa nói, các công ty năng lượng Nga vẫn chưa bị ảnh hưởng trong đợt cấm vận áp đặt lên các xí nghiệp và cá nhân lần đầu. Tuy nhiên, sau khi Nga can thiệp vào Đông Ukraine, Tòa Bạch Ốc đã áp đặt thêm nhiều chế tài khắt khe hơn, kể cả các biện pháp nhằm vào khu vưc năng lượng.

Vào ngày 12-9, Bộ Ngân Khố đã loan báo thắt chặt cấm vận đối với chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao cho Rosneft, Gazprom, và các xí nghiệp Nga trong phạm vi thăm dò và khai thác năng lượng trong vùng Bắc Đại Dương Arctic. Theo Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, các biện pháp cấm vận nầy “ sẽ gây trở ngại cho khả năng khai triển các khu vực có tài nguyên năng lượng khó khai thác hay phi quy ước, những khu vực lệ thuộc nặng nề vào kỹ thuật của Hoa Kỳ và Tây Phương.”[6]

Tác động của các biện pháp cấm vận mới vẫn còn quá sớm để có thể thẩm định. Tuy vậy, các quan chức Nga đã không mấy quan tâm, và đã nhấn mạnh, trong mọi trường hợp các xí nghiệp của họ cũng sẽ tiếp tục khai triển vùng Arctic.

Tuy nhiên, quyết định của Obama chú tâm vào các chương trình thăm dò và khai thác năng lượng của Nga đang phản ảnh một bước ngoặt bi hài trong chính sách của Hoa Kỳ, với nguy cơ gây khan hiếm trong số cung năng lượng toàn cầu nếu các công ty Nga chứng tỏ không thể bù đắp vào số sụt giảm trong sản lượng tại các khu vực hiện hữu của chính họ.

VŨ KHÍ TÂN TIẾN MỚI

Như các biến động trên đây đã cho thấy, chính quyền Obama đã luôn xem vũ khí năng lượng như một dụng cụ quý giá đem lại quyền lực và ảnh hưởng. Trong thực tế, hình như Hoa Thịnh Đốn có thể đang trong quá trình thay thế đe dọa xâm lăng, hay như với Liên Bang Xô Viết trong kỷ nguyên Chiến Tranh Lạnh, tấn công nguyên tử, như một đáp ứng ưu tiên đối với những gì được xem như thách thức ở hải ngoại. Không có gì đáng ngạc nhiên, người Nga nhìn cuộc khủng hoảng Ukraine đang xẩy ra ngay trên biên giới của chính mình, trong một ánh sáng hoàn toàn khác. Trong khi hành động thuần túy quân sự của Hoa Kỳ — có nghĩa, bất cứ thứ gì ngoài không tạc, tấn công bằng phi cơ không người lái, và các lực lượng hành quân đặc biệt – hình như sẽ khó thực sự xẩy ra trong bối cảnh chính trị hiện nay, các quan chức hàng đầu trong chính quyền Obama rõ ràng tin tưởng: chiến tranh năng lượng là phương tiện cưởng chế hữu hiệu và có thể chấp nhận – đã hẳn chừng nào vẫn còn nằm gọn trong tay người Mỹ.

Sự kiện Hoa Thịnh Đốn đang sẵn sàng hành động theo hướng nầy phản ảnh không những sự gia tăng trong sản lượng dầu gần đây, mà còn một ý thức năng lượng, trong thời đại toàn cầu hóa, đang cấu thành một tích sản chiến lược có tầm quan trọng vô song. Kiểm soát các dòng chảy năng lượng trên khắp hành tinh và từ chối khả năng tiếp cận thị trường đối với các xứ sản xuất năng lượng ngoan cố hay ương ngạnh hoặc khó bảo đang ngày một trở thành một đối tượng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trước thực tế thiếu vắng thành công khi sử dụng vũ lực trực tiếp trong nhiều năm vừa qua, đây cũng chỉ là một vấn đề chưa có đáp án. Xét cho cùng, liệu vũ khí năng lượng rồi ra có thể nào sẽ thỏa đáng hơn trong khả năng mang lại lợi thế chiến lược cho Hoa Kỳ?

Thực vậy, người Iran quả thật đã chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị, nhưng một kết quả thuận lợi trong các cuộc thương nghị về đề tài nguyên tử hình như ngày một xa xôi; có hay không có dầu lửa, ISIS vẫn tiếp tục thành đạt được nhiều thắng lợi ngoài chiến trường; và Mạc Tư Khoa vẫn không có dấu hiệu chấm dứt can dự vào Ukraine.

Tuy nhiên, khi các lựa chọn khả tín vắng bóng, T T Obama và các quan chức thân cận hình như vẫn quyết tâm bám víu vào vũ khí năng lượng. Dù sao, cũng như bất cứ phương cách sử dụng vũ lực nào, sử dụng vũ khí năng lượng cũng hàm chứa nhiều nguy cơ đáng kể.

Trước hết, mặc dù sản lượng dầu thô quốc nội gia tăng, Hoa Kỳ vẫn còn tùy thuộc vào dầu nhập khẩu trong một tương lai ít nhiều dài lâu, và vì vậy, vẫn có thể phải chịu tổn thương nếu các quốc gia khác từ chối xuất khẩu đến Mỹ.

Quan trọng hơn nữa là dạng thức mới của các cuộc chiến năng lượng, Hoa Kỳ đã và đang sử dụng từ thập kỷ 1990, một ngày nào đó cũng rất có thể dẫn đến một suy giảm thực sự và đơn thuần trong số cung toàn cầu, đẩy giá dầu lên cao, và do đó, sẽ đe dọa tính ổn định ngay cả của nền kinh tế Mỹ. Và ai dám quả quyết, khi thấy cách sử dụng ngày một gia tăng các chiến thuật tấn công với vũ khí năng lượng của Hoa Thịnh Đốn để áp đặt ảnh hưởng của mình, các quốc gia khác sẽ không tìm các phương cách canh tân để nắm lấy vũ khí năng lượng có lợi cho họ và gây thương tổn cho chính Hoa Thinh Đốn?

Cùng với sự du nhập các phi cơ tự động “drones,” Hoa Kỳ hiện đang thụ hưởng một lợi thế tạm thời trong chiến tranh năng lượng. Tuy nhiên khi tung loại vũ khí nầy ra sử dụng trong thế giới bên ngoài, các quốc gia khác cũng sẽ tìm cách đáp ứng lại lợi thế của Hoa Kỳ và quay lại sử dụng cùng loại vũ khí để chống đối Hoa Kỳ. Bằng chứng: Iran vừa mới thử nghiệm, lần đầu và cũng đã thành công, một dạng thức “drone” của Mỹ vào hồi đầu tuần.

Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
16-11-2014

[1] These strikes, he declared in announcing the bombing campaign, are intended to “take out terrorist targets” and “cut off ISIL’s financing.”

[2] …in the pursuit of U.S. strategic interests, anything goes.

[3] This “stronger hand,” he made clear, was reflected in U.S. dealings with Iran. To put pressure on Tehran, he noted, “The United States engaged in tireless diplomacy to persuade consuming nations to end or significantly reduce their consumption of Iranian oil.” At the same time, “the substantial increase in oil production in the United States and elsewhere meant that international sanctions and U.S. and allied efforts could remove over 1 million barrels per day of Iranian oil while minimizing the burdens on the rest of the world.”

[4] “These agreements,” Rex Tillerson, the CEO of Exxon, said proudly in 2012 on inking the deal, “are important milestones in this strategic relationship… Our focus now will move to technical planning and execution of safe and environmentally responsible exploration activities with the goal of developing significant new energy supplies to meet growing global demand.”

[5] “Our views are being heard at the highest levels,”

[6] These measures, the department noted, “will impede Russia’s ability to develop so-called frontier or unconventional oil resources, areas in which Russian firms are heavily dependent on U.S. and western technology.”