Bạch Ốc đổi chủ, chính sách Iraq đổi hướng

Vietsciences- Nguyễn Trường        05/08/2009
 Những bài cùng tác giảObama Speech In Cairo: VIDEO, Full Text

Mô tả sự rút quân ra khỏi các thành phố Iraq của Mỹ vào cuối tháng 6-2009, hai phóng viên báo The New York Times, Steven Lee Myers và Marc Santora, đã viết:

Hầu hết công tác phức tạp tháo gỡ và di dời các trang bị hàng triệu mỹ kim khỏi các tiền đồn trong thành phố đã được thực hiện trong bóng tối của đêm. Tướng Ray Odierno, tư lệnh Iraq, ra lệnh phần lớn công tác cơ bản – các đoàn xe vận chuyển và tiếp liệu chẳng hạn – phải được thực hiện ban đêm, khi ít người Iraq có thể thấy sự rút lui không toàn bộ của Mỹ [1]

Hành động trong đêm tối hình như phản ánh đúng bản chất các kế hoạch của người Mỹ ở Iraq. Mấy tuần trước, truyền hình tường thuật rầm rộ người Iraq đã ăn mừng sự kiện quân tác chiến Hoa Kỳ đã rút khỏi các thành phố, với pháo bông, với khiêu vũ và vui đùa, với diễn binh bên trong Green Zone (vì đường phố còn thiếu an ninh và quá nguy hiểm). Người Mỹ đã trao trả nhiều căn cứ và tiền đồn nhỏ. Thủ Tướng Nouri al-Maliki tuyên bố đây là một ngày quốc lễ – hay như al-Maliki gọi: ngày chủ quyền.

THỰC TẾ RÚT QUÂN TÁC CHIẾN

Tất cả đều diễn ra đúng kịch bản của T T Barack Obama trong chương trình vận động bầu cử tổng thống 2008. Mới đây, trong bài nói chuyện, được nhiệt liệt hoan nghinh, với các sinh viên Đại Học Cairo, Ai Cập, Obama hứa – Hoa Kỳ sẽ không duy trì một căn cứ nào ở Iraq, và sẽ rút quân khỏi Iraq vào cuối năm 2011.

Không may, không những cho người Iraq mà cả người Mỹ, những gì xẩy ra – trong bóng tối, ngoài ánh đèn và màn hình TV – mới thực sự quan trọng.Trong khi nhiều người phê bình cuộc xâm lăng Iraq sẵn sàng làm ngơ, và các quan chức ngoại giao và quân đội đang tập trung vào lịch rút quân, người ta nhận thấy một điều gì không minh bạch đang được xúc tiến.

Và đó chẳng phải là hành động rào đón của tổng thống trong việc rút quân tác chiến khỏi các thành phố Iraq, trong mọi trường hợp, cũng chỉ 1/3 trong số 130,000 quân ở Iraq trong vòng 19 tháng thay vì 16 tháng trước đây. Đó cũng không phải việc thay tên gọi một số, từ quân nhân trở thành cố vấn, để có thể lưu nhiệm trong thành phố , hay vẻ lại bản đồ thủ đô Baghdad để đặt ra ngoài một số căn cứ then chốt người Mỹ không muốn từ bỏ.

Xét cho cùng, chính sách của chính quyền Obama là giảm thiểu vết chân quân sự ở Iraq. Các quan chức then chốt của Obama hình như đã không chọn chính sách quân sự kiểu Bush, họ đã chọn giải pháp hành chánh cho Iraq- điều mà Phó T T Joe Biden gọi: chương trình thúc ép chính quyền Iraq đẩy mạnh hòa giải chính trị.

Một viên chức cao cấp Bộ Ngoại Giao đã mô tả chính sách ẩn dấu mới nầy với phóng viên Jane Arraf của báo Christian Science Monitor như sau: Một trong những thử thách trong quan hệ mới là bằng cách nào người Mỹ có thể tiếp tục nắm ảnh hưởng đối với các quyết định then chốt một cách kín đáo[2].

Về việc nầy, Tướng Odierno và một viên chức không rõ tên đã nhất trí. Và hình như Hoa Thịnh Đốn cũng vậy. Vì vậy, cho đến nay, trong địa hạt hoạch định quân sự và dân sự của chính quyền Obama, điều cốt yếu có thể được tóm tắt: đừng để ý đến các tin tức hàng đầu, đến pháo bông, và các đám đông người Iraq mừng vui trên màn ảnh TV, bỏ qua một bên những bàn luận về việc rút quân, để mắt tự điều chỉnh với bóng tối và nhìn kỹ – người ta có thể lờ mờ thấy ẩn hiện bóng dáng lập trường mới của Mỹ ở Iraq – Chủ Thuyết Obama. Và chẳng có gì giống tư thế một siêu cường chiếm đóng đang chuẩn bị rút lui.
Khi mắt đã quen với bóng tối, người ta dễ dàng nhận chân nhà cầm quyền chiếm đóng đang ra sức duy trì Iraq trong vị trí một xứ khách hàng, hoặc như Tướng Odierno đã mô tả với báo chí ngày 30-6-2009, “một đối tác dài lâu với Hoa Kỳ ở Trung Đông[3].  Liệu đội ngũ an ninh quốc gia của Obama có thể thành công trong việc nầy hay không là một vấn đề chưa có giải đáp, nhưng với cái nhìn kỹ ngay cả lần đầu, những gì diễn ra trước mắt hình như không mấy xa lạ với các nhà sử học. Từ xa xưa điều đó đã mang tên: chủ nghĩa thực dân[4].

CHỦ NGHĨA THỰC DÂN THẾ KỶ XXI

Ba nét đặc trưng của chủ nghĩa thực dân cổ điển:quyền quyết định tối hậu luôn nằm trong tay nhà cầm quyền chiếm đóng thay vì chính quyền khách hàng bản địa; nhân viên guồng máy thực dân đều được đặt dưới hệ thống luật pháp và định chế khác với dân bị trị; và kinh tế chính trị địa phương được định hình bởi quyền lợi của chính quyền chiếm đóng.

Mọi đặc điểm của chủ nghĩa thực dân cổ điển ở Iraq, được định hình dưới thời George W. Bush, đang được tiếp tục, và trong vài trường hợp, được tăng cường trong những tháng đầu của kỷ nguyên Obama.

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Iraq, xây cất dưới thời Bush với kinh phí 740 triệu USD, là cơ sở ngoại giao lớn nhất thế giới. Trên 1.000 nhân viên quản trị gồm chuyên gia, cán sự – ngoại giao, quân sự, tình báo, và nhân viên văn phòng – mặc dù đối với bên ngoài kể cả báo chí, tất cả đều được chính thức xem như thành viên ngoại giao đoàn. Cấp số trên 1.000 trong một xứ dân số khoảng 30 triệu là cao hơn rất nhiều so với chuẩn mực cổ điển của guồng máy kiểm soát đế quốc. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ 20, Anh Quốc chỉ cần một số viên chức ít hơn để cai trị một dân số 300 triệu của Ấn Độ.

Trình độ tập trung nhân sự ngoại giao trong một trung tâm chỉ huy khổng lồ cấp vùng rõ rệt phản ảnh ý đồ đế quốc rộng lớn của Hoa Thịnh Đốn: luôn có đủ nhân lực sẵn sàng để thỏa mãn nhu cầu về số cố vấn Mỹ cần thiết bên cạnh các cấp chỉ huy quân đội cũng như các bộ then chốt trong nền kinh tế dựa vào dầu khí.

Ngay từ ngày đầu chiếm đóng, quan chức Mỹ đã hiện diện bên cạnh các lãnh đạo chính trị và viên chức chính quyền Iraq , hướng dẫn, huấn luyện các quan chức chỉ huy, và giải quyết các tranh chấp nội bộ Iraq. Vì vậy, người Mỹ luôn can thiệp hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trong mọi quyết định quan trọng của chính quyền.

Gần đây, New York Times có bài tường trình, quan chức Mỹ đã âm thầm vận động hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý luật định về Thỏa Hiệp Quy Chế Quân Đội (Status of Forces Agreement – SOFA) đã đạt được trước đó giữa Hoa Kỳ và Iraq – một cuộc trưng cầu dân ý, nếu thất bại, trên lý thuyết, có thể buộc Hoa Kỳ lập tức rút quân khỏi Iraq. Trong một bài khác, báo Times tường trình nhân viên Tòa Đại Sứ đã nhiều lần can thiệp giàn xếp hòa bình giữa các phe nhóm kình chống trong Quốc Hội Iraq. Trong một bài khác, tờ Stars and Stripesghi nhận một nhân viên Tòa Đại Sứ cố vấn các viên chức Iraq trong việc điều hành một sân bay trị giá 100 triệu USD vừa hoàn thành ở Najaf.

A: TRONG SINH HOẠT HÀNG NGÀY

Hầu hết các chế độ thực dân đều xây dựng những hệ thống trong đó người ngoại quốc giữ nhiệm vụ chiếm đóng được đãi ngộ và chế tài căn cứ trên những định chế pháp lý riêng biệt với dân bản xứ. Ở Iraq, từ 2003 người Mỹ đã xây dựng một cơ cấu đặc biệt tương tự, những định chế chính quyền Obama có lẽ sẽ tiếp tục duy trì.

Cũng như tất cả các tòa đại sứ khác trên thế giới, nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ không lệ thuộc thẩm quyền tài phán các nước chủ nhà. Điểm khác biệt là ở Iraq họ không chỉ phụ trách các công việc thông thường của một cơ quan đại diện ngoại giao, mà luôn tham gia vào các dự án hệ trọng dính líu đến mọi khía cạnh của đời sống hàng ngày và quản trị công quyền (governance), mặc dù họ chỉ là một giai cấp riêng biệt bên trong xã hội Iraq. Quân nhân là một bộ phận trong cơ cấu đặc biệt đó: thỏa ước SOFA (Status of Foces Agreement) mới ký kết bảo đảm quân nhân Mỹ sẽ không thuộc thẩm quyền tài phán Iraq, ngay cả khi phạm tội giết hại thường dân.

Những hình thức phân biệt tài phán nầy được áp dụng cho tất cả mọi người liên hệ với guồng máy chiếm đóng. Nhân viên an ninh tư, xây dựng, các nhà thầu thương mãi, làm việc cho quân chiếm đóng, tuy không được bảo vệ bởi SOFA, nhưng vẫn được che chở dưới một hình thức khác hơn là luật lệ áp dụng cho thường dân Iraq. Như một viên chức FBI nói với New York Times, trách nhiệm của các nhà thầu đều được quy định bởi những sắp xếp mới giữa Iraq và Hoa Kỳ liên quan đến quy chế pháp lý của các nhà thầu[5]. Gần đây trong một trường hợp năm nhân viên của một nhà thầu Mỹ can tội giết một nhà thầu khác đã được cảnh sát Iraq và đại diện sở tại của FBI phối hợp điều tra, với thẩm quyền tài phán cuối cùng sẽ do các quan chức Iraq và tòa Đại Sứ Mỹ thương thảo. FBI đã thiết lập một sự hiện diện đầy đủ ở Iraq để thực thi những “sắp xếp mới” nầy.

Lối sắp xếp đặc biệt vừa nói cũng áp dụng cho các xí nghiệp dịch vụ quản lý hàng tỉ USD chi tiêu hàng tháng ở Iraq trong các hợp đồng của Mỹ. Nhiệm vụ chính của nhà thầu là phải thi hành đúng các quy chế do quân lực Mỹ ban bố trong năm 2006. Trong những địa hạt nầy, luật pháp Iraq chỉ giữ vai trò thứ yếu. Trong một trường hợp điển hình, một nhà thầu Kuwait được thuê cung cấp thực phẩm cho quân Mỹ bị buộc tội giam cầm các nhân công nước ngoài, và khi các công nhân nầy phản đối, đã trả họ về nguyên quán mà không trả lương. Trường hợp nầy thuộc quyền người Mỹ, không phải chính quyền Iraq, xử lý.

Ngoài sự phân biệt luật pháp, người Mỹ cũng đã thiết kế một hàng rào hạ tầng cơ sở bên trong Iraq. Hầu hết các tòa đại sứ và căn cứ quân sự trên thế giới đều tậu mãi lương thực, điện, nước, truyền thông, và tiếp liệu hàng ngày từ các nước chủ nhà . Nhưng Tòa Đại Sứ Mỹ hay năm căn cứ quân sự chính ở Iraq thì không. Người Mỹ có hệ thống điện, nước lọc, truyền thông, và thực phẩm, nhập khẩu từ ngoài vào. Không có tiệm bán thức ăn Iraq, tất cả vật liệu đều nhập khẩu qua hệ thống nhà hàng ăn cao cấp Mỹ. Các căn cứ quân sự đều có hệ thống nhà hàng ăn và “fast food” riêng.

Họ cũng có hệ thống giao thông vận tải riêng trong mỗi thành phố và liên tỉnh, nhanh chóng và an toàn hơn.

Gần đây, lực lượng chiếm đóng và các nhân viên liên hệ giữ độc quyền lưu thông trên nhiều trục lộ riêng, tương tự như người Do Thái đã làm ở Bờ Tây (West Bank) trong hơn 40 năm qua. Điều trớ trêu là hệ thống nầy đã giúp các lực lượng chống đối gài bom mìn dọc vệ đường, nhằm riêng người nước ngoài, dễ dàng hơn. Một biến cố bên ngoài Falluja đã minh họa tình huống ngày nay ở Iraq – một tình huống đã trở thành chính sách trong kỷ nguyên Obama:
 

Người Mỹ lái xe trên con lộ dành riêng cho quân đội Mỹ và các đội tái thiết khi một quả bom – được giới an ninh Iraq ở địa phương mô tả như một phương tiện bộc phá tự chế – nổ tung. Theo dân địa phương, xe người Iraq, ngay cả xe quân đội và cảnh sát, đều không được phép lưu thông trên con lộ nơi bom nổ. Dân địa phương còn cho biết một trạm kiểm soát chỉ cách hiện trường lối 200 yards có nhiệm vụ ngăn chặn các xe không được phép lưu thông[6].

Không rõ con đường nầy có được người Mỹ trao trả lại cho người Iraq, nếu và khi căn cứ cần đến nó đóng cửa. Trong mọi trường hợp, chính sách chung hình như đã bén rễ – những đường lộ dành riêng phục vụ 1.000 nhà ngoại giao và hàng chục nghìn quân đội và nhà thầu có nhiệm vụ thực thi chính sách của người Mỹ. Và đây cũng chỉ là một khía cạnh trong hạ tầng cơ sở được xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển, thực thi, và quản lý các chính sách kinh tế chính trị ở Iraq.
 

B: TRONG ĐỊA HẠT QUÂN SỰ

Cố nhiên, người Mỹ chỉ có thể rút quân khi quân đội Iraq có đủ khả năng tự mình đảm nhiệm công tác bình định. Theo báo chí, nếu mọi chuyện diễn ra như mong đợi, người Iraq cũng phải đợi ít nhất một thập kỷ. Một dấu hiệu rõ ràng là sự hiện diện của các cố vấn quân sự Mỹ ở khắp nơi trong các đơn vị tác chiến Iraq: Thiếu úy Matthew Liebal, chẳng hạn, luôn ngồi bên cạnh Trung Tá Mohammed Hadi, tư lệnh Sư Đoàn 43 của Iraq, có bổn phận tuần tiểu phía đông Baghdad.
Đối với quân đội Iraq, vai trò bảo hộ hay giám hộ nầy không chỉ mang tính tạm thời. Xét cho cùng, quân đội do người Mỹ giúp tạo dựng ở Iraq còn thiếu nhiều phương tiện, như tiếp vận, trọng pháo, và không lực. Vì vậy, quân Mỹ vẫn phải giúp chuyển dịch và tiếp liệu, định vị và khai triển trọng pháo, yểm trợ không quân mỗi khi cần. Vì người Mỹ không sẵn sàng cho phép sĩ quan Iraq chỉ huy lính Mỹ, các sĩ quan nầy không thể quyết định bắn trọng pháo, điều động phi cơ chiến đấu, hay gửi nhân viên tiếp vận đến chiến trường.
Trong một tương lai dài lâu, tất cả các cuộc hành quân lớn của Iraq chắc chắn cần có cố vấn Mỹ tháp tùng và yểm trợ. Ngay cả việc thực hiện các chức năng quân cảnh cũng có thể gặp khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của cố vấn Mỹ. Một trường hợp điển hình là khi được hỏi liệu ông có cần hỗ trợ của Mỹ khi thi hành lệnh bắt một phạm nhân, một tiểu đoàn trưởng Iraq đã trả lời phóng viên Steven Lee Myers, báo New York Times: “cố nhiên” là có (of course). John Snell, một cố vấn Úc trong quân đội Mỹ, cũng thẳng thắn trả lời phóng viên Agence France Presse, nếu người Mỹ rút quân, quân đội Iraq “sẽ tan rã nhanh chóng[7].

Trong một bài viết đăng trong World Policy Journal, John A. Nagl, một chuyên viên quân sự và nguyên cố vấn của Tướng David Petraeus,cũng tin, Iraq có lẽ phải cần ít ra một thập kỷ để xây dựng một quân đội độc lập.

C: TRONG ĐỊA HẠT KINH TẾ

Terry Barnich,bị tử thương trong một vụ nổ bom vệ đường ở Falluja, là trường hợp điển hình cho chính sách kinh tế của Mỹ ở Iraq. Trong tư cách Phó Giám Đốc Cơ Quan Viện Trợ Chuyển Tiếp thuộc Bộ Ngoại Giao, và cố vấn Bộ Trưởng Điện Lực Iraq, Barnich đã bị tử thương trên đường về sau khi thanh tra nhà máy lọc nước thải đang được xây cất ở Falluja.

Hai vai trò của một quan chức cao cấp, trong quá trình làm chính sách và cố vấn trong một bộ phụ trách hạ tầng cơ sở quan trọng, đều liên hệ đến lập trường liên tục của Mỹ đối với Iraq trong những tháng đầu của kỷ nguyên Obama. Iraq, dù bất đắc dĩ, vẫn là một chính quyền khách hàng. Quyền quyết định tối hậu trên nhiều phương diện vẫn nằm trong tay lực lượng chiếm đóng. Tưởng cũng nên lưu ý Banich đã không di chuyển chung xe với các quan chức Iraq.

Sự hiện diện của nhân viên tòa đại sứ ở khắp nơi, dĩ nhiên, bao gồm cả kỹ nghệ dầu khí tối quan trọng – đang cung cấp 95% ngân sách của chính phủ. Trong phạm vi năng lượng, nhà cầm quyền chiếm đóng từ lâu đã tìm cách chuyển các quyết định về chính sách và trách nhiệm điều hành từ các xí nghiệp quốc doanh dưới thời Saddam Hussein qua các đại công ty dầu khí đa quốc gia. Trong một thắng lợi quan trọng, năm 2004, người Mỹ đã thành công trao một hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD, để tái thiết các cơ sở vận chuyển dầu (khoảng 80% dòng chảy dầu) ở Nam Iraq đang xuống cấp, cho KBR, một chi nhánh của Halliburton trước đây. Quyền giám sát quá trình thực hiện hợp đồng – được quản lý quá sai lầm, sau năm năm vẫn chưa hoàn tất – được giao phó cho Tổng Thanh Tra Hoa Kỳ phụ trách Chương Trình Tái Thiết Iraq.

Trong thực tế, chính quyền Iraq vẫn chưa thể kiểm soát số thu nhập từ dầu hỏa. Quỹ Phát Triển Iraq (mọi thu nhập phải được ký thác ở Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang New York) đã được thiết lập dưới sự bảo trợ của LHQ ngay sau ngày xâm chiếm, và nhận khoảng 95% số tiền bán dầu Iraq. Tất cả các nghiệp vụ rút tiền phải được giám sát bởi Hội Đồng Kiểm Soát và Tư Vấn Quốc Tếdo LHQ chuẩn y – một nhóm chuyên viên do Mỹ chỉ định từ các kỹ nghệ dầu và tài chánh quốc tế. Việc trao chức năng giám sát lại cho một cơ quan do chính quyền Iraq chỉ định, dự định trong tháng 1-2009, đã được chính quyền Obama hoãn lại với lý do chính phủ Iraq chưa sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm vừa nói.

Trong lúc chờ đợi, cuộc vận động chuyển quyền quản trị các nghiệp vụ dầu chính yếu cho các đại công ty dầu quốc tế vẫn tiếp tục. Mặc dù gặp sự chống đối của các công nhân dầu khí Iraq, ban quản trị của hai công ty dầu quốc gia, khối đa số trong Quốc Hội, và công luận, người Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép buộc chính quyền al-Maliki ban hành luật dầu khí đòi hỏi các phương cách cấp giấy phép với tên gọi “các thỏa hiệp phân chia sản lượng” (production-sharing agreements-PSA).

Nếu được ban hành, các PSAs, nếu không chuyển giao quyền sở hữu vĩnh viễn, cũng sẽ dành cho các công ty dầu quyền thực sự kiểm soát các khu mỏ dầu, và quyền chuyên quyết khai thác trữ lượng dầu, từ khâu khai thác đến khâu mãi dịch. Áp lực của Mỹ có thể thay đổi, từ những khuyến cáo của các quan chức Hoa Kỳ bên cạnh các bộ Iraq hiện nay đến lời đe dọa tịch thu một phần hay toàn bộ ngân khoản thu nhập từ việc bán dầu ký thác ở Quỹ Phát Triển.

Hiện nay, chính quyền Iraq đang ra sức thực hiện một bước nhỏ: bán đấu giá các hợp đồng quản lý cho các công ty dầu quốc tế trong một cố gắng gia tăng số sản xuất từ tám khu dầu và hơi đốt thiên nhiên hiện hữu. Mặc dù các công ty trúng thầu không có quyền chuyên quyết thăm dò, sản xuất, và bán dầu trong vài khu dầu nhiều trử lượng nhất thế giới, ít ra cũng có thể được quyền kiểm soát hành chánh việc nâng cấp trang bị và bơm dầu , có thể đến 20 năm.

Nếu chương trình bán đấu giá thành công (một điều không mấy chắc, vì đợt đầu chỉ đạt được một thỏa ước nhưng vẫn chưa ký kết), kỹ nghệ dầu Iraq sẽ bị kẹt trong bộ máy chiếm đóng, bất kể điều gì chính thức xẩy ra cho quân lực Hoa Kỳ ở Iraq. Trong phạm vi thẩm quyền, tòa đại sứ Hoa kỳ chắc chắn sẽ có trách nhiệm thanh tra và hướng dẫn hoạt động của công ty trúng thầu, trong khi quân lực Hoa Kỳ và các nhà thầu tư nhân sẽ trở thành những người bảo đảm an ninh ở các công trường . Fayed al-Nema, CEO của công ty South Oil Company, thay mặt đa số những người chống đối PSAs, đã nói với phóng viên hảng Reuters, Ahmed Rasheed, các hợp đồng, nếu được chấp thuận, sẽ có nhiều ràng buộc kinh tế và hạn chế chủ quyền của một Iraq độc lập trong vòng 20 năm tới

 D: TRONG ĐỊA HẠT CHỦ QUYỀN

Năm 2007, Alan Greenspan, nguyên chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang, đã trả lời phóng viên báo Washington Post, Bob Woodward: “trục xuất Saddam là cốt yếu”[8] – điều ông đã nói trong tác phẩm The Age of Turbulence (Kỹ Nguyên Biến Động) – vì Hoa Kỳ không thể chấp nhận tùy thuộc những nguồn cung cấp dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên thù nghịch. Đó cũng là ưu tư của giới làm chính sách Hoa Kỳ: Chiến Lược Quốc Phòng 2008, chẳng hạn, kêu gọi sử dụng sức mạnh quân sự của Mỹ để duy trì quyền tiếp cận, và dòng chảy các tài nguyên năng lượng thiết yếu cho kinh tế thế giới.

Chỉ sau 6 tháng cầm quyền, chính quyền Obama đã chứng tỏ, như người tiền nhiệm, vẫn quyết tâm duy trì quyền tiếp cận, và dòng chảy tài nguyên năng lượng ở Iraq, cùng lúc với quyết tâm chiến thắng trên mặt trận mở rộng ở Afghanistan và Pakistan. Cũng có đủ bằng chứng Hoa Thịnh Đốn hiện đang cố gắng giảm bớt quân số và cường độ cuộc chiến ở Iraq mà vẫn duy trì được ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Điều nầy có nghĩa một cố gắng thể hiện một hình thức đế quốc thế kỷ 21 với một giá hời hơn vì tài nguyên đang được chuyển tới phương đông của vùng Trung Đông nới rộng. Đã hẳn không có gì bảo đảm chiến lược mới – chủ thuyết Obama – sẽ thành công so với chiến lược tấn công quân sự đã thất bại của Bush. Xét cho cùng, trong không khí bất ổn và bạo động ở Iraq, ngay cả các đại công ty dầu cũng ngần ngại dấn thân và các cuộc đấu thầu các hợp đồng dầu khí đã bắt đầu thiếu hấp dẫn, trong khi các sáng kiến dân sự khác cũng còn dở dang.

Trong thực tế, chính quyền Obama đang tìm cách hoàn thành tham vọng của Tướng Odierno biến Iraq thành một đối tác dài lâu với Hoa Kỳ ở Trung Đông cùng lúc đương đầu với cuộc chiến Afghanistan-Pakistan.  Chính quyền Obama cũng vấp phải một vấn nạn quen thuộc các cường quốc thuộc địa thế kỷ 19 đã gặp phải: nếu không áp dụng một sức mạnh quân sự áp đảo, các thuộc địa sẽ có khuynh hướng trôi dạt về hướng độc lập và tự chủ. Trong trạng huống nầy, lời tiên đoán đáng buồn của phóng viên quân sự với giải thưởng Pulitzer, Thomas RicksHoa Kỳ chỉ mới nửa đường trong cuộc chiến [9]– có thể thành sự thật.

THAY LỜI KẾT LUẬN

Biến cố 11-9 đã thức tỉnh người dân Hoa Kỳ. Từ nay, họ phải lưu tâm đến những gì chính phủ Mỹ làm và tác động của chúng trên thế giới. Người ta bắt đầu chú ý  nhiều đến các đề tài chưa hề được ghi vào nghị trình trước đây. Đó là điều đáng mừng, là dấu hiệu tốt và lành mạnh cho phép chúng ta hy vọng những việc làm tàn bạo sẽ giảm thiểu trong tương lai.

T T Bush có thể muốn mọi người tin kẻ thù của Mỹ đang thù ghét họ vì ghét sự tự do của họ. Rất có thể lối suy nghĩ đó có giá trị tự trấn an, nhưng chẳng khôn ngoan tí nào, vì đã không lưu tâm trong thực tế thế giới bên ngoài đang nhắn gửi nhiều bài học khác hẳn.

T T Bush không phải là người Mỹ đầu tiên tự hỏi, “Tại sao họ ghét chúng ta”[10]. Trong một cuộc thảo luận với các nhân viên thân cận 51 năm trước đây, T T Eisenhower đã mô tả “chiến dịch căm ghét chúng ta [trong thế giới A Rập] không do chính quyền, mà do dân chúng”[11]. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thời ông cũng đã đưa ra những lý do chính: người Mỹ luôn ủng hộ các chính quyền tham nhũng, độc tài, đàn áp, và luôn chống đối tiến bộ chính trị hay kinh tế, bởi lẽ quyền lợi đòi hỏi họ phải kiểm soát cho bằng được các tài nguyên dầu lửa trong vùng.

Những cuộc thăm dò hậu-11/9 trong thế giới A Rập xác nhận cùng những lý do, ngoài ra còn có sự căm thù vì những chính sách đặc biệt của Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên là những lý do đó cũng đúng cả với giới “thượng lưu”, “đặc quyền”, luôn hướng về Tây phương. Đơn cử một ví dụ, Ahmed Rashid viết trong tạp chí Far Eastern Economic Review, số 1-8-2002: ở  Pakistan, “sự giận dữ ngày một gia tăng  vì hậu thuẫn của Hoa kỳ đang cho phép chế độ quân phiệt (Musharraf) trì hoãn lời hứa dân chủ”[12].

Ngày nay người Mỹ chẳng lợi lộc gì khi cứ tiếp tục tin: “họ ghét chúng ta” và ghét “những tự do của chúng ta”.Trong thực tế, ngay cả những người thích Mỹ và cảm phục nhiều điều về nước Mỹ, kể cả tự do của Mỹ, cũng căm phẫn vì chính sách của các chính quyền liên tiếp ở Mỹ đã không cho phép họ được hưởng cùng những thứ tự do họ hằng mong ước.

Vì những lý do đó, những lời ta thán hậu-11/9 của Osama bin Laden – sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ dành cho các chế độ tham nhũng và tàn ác, kể cả Saudi Arabia – vẫn gây được tiếng vang , ngay cả trong số những người xem thường hoặc e sợ bin Laden.  Chính những bất bình, tức giận, bức xúc đã giúp các nhóm khủng bố dễ dàng tìm được hỗ trợ và tăng cường hàng ngũ.

Người Mỹ cũng phải ý thức,  rất nhiều người trên thế giới đã và đang xem Hoa Thịnh Đốn như một chế độ khủng bố. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã có những hành động hoặc ủng hộ những hành động ở các xứ Colombia, Panama, Trung và Nam Mỹ, Turkey…,  những hành động mang tính khủng bố,  đúng  như định nghĩa chính thức của Hoa Kỳ.

Năm 2009, Samuel Huntington viết trên báo Foreign Affairs: “trong khi Hoa Kỳ thường tố cáo nhiều xứ khác là những xứ ngoài vòng pháp luật, dưới mắt nhiều quốc gia, Hoa Kỳ đang trở thành một siêu cường ngoài vòng luật pháp…một đe dọa lớn lao nhất từ bên ngoài đối với họ”[13].

Những nhận thức trên vẫn không thay đổi với biến cố 11/9 – lần đầu tiên một xứ Tây phương bị tấn công khủng bố ngay bên trong lãnh thổ của mình – một sự kiện đã  quá quen thuộc đối với các nạn nhân  của các cường quốc phương Tây.

Hành động khủng bố 11/9 đã bị thế giới lên án và khơi dậy đợt sóng thiện cảm đối với các nạn nhân vô tội. Những phản ứng nầy, tuy vậy, không phải đơn thuần thuận lợi. Một cuộc thăm dò quốc tế, Gallup Poll, tháng 9-2001, tiết lộ, cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Afghanistan nhận được rất ít ủng hộ, nhất là ở Châu Mỹ La Tinh, nơi qua nhiều thập kỷ đã trải nghiệm chính sách  can thiệp của Hoa Kỳ – chẳng hạn, chỉ 2% ở Mexico.

Chiến dịch căm thù hiện nay trong thế giới A Rập đã hẳn còn do các chính sách của Mỹ về các vấn đề Israel-Palestine và Iraq. Hoa Kỳ đã hậu thuẫn mạnh mẽ sự chiếm đóng quân sự tàn nhẫn của Do Thái, ròng rã từ 42 năm nay.

Một phương cách giảm bớt tình trạng căng thẳng Israeli-Palestine là ngừng gia tăng chính sự căng thẳng do Mỹ liên tục gây ra, qua lập trường – không những từ chối tham gia vào sự đồng thuận của thế giới kêu gọi công nhận quyền sống trong hòa bình và an ninh của tất cả các quốc gia trong vùng, kể cả nhà nước Palestine trên vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng, mà còn cung cấp các hỗ trợ kinh tế, quân sự , ngoại giao và ý thức hệ thiết yếu cho những cố gắng liên tục của Israel luôn tìm cách ngăn cản mục tiêu vừa nói.

Hai nhà phân tích quân sự John và Karl Mueller đã viết trên Foreign Affairs năm 1999, một thập kỷ cấm vận dưới áp lực của Mỹ, trước ngày tiến chiếm Iraq vào tháng 3-2003, đã làm gia tăng ảnh hưởng của Saddam Hussein cùng lúc gây thương vong cho hàng trăm nghìn dân thường, “có lẽ còn nhiều hơn con số thương vong bởi mọi thứ “vũ khí tiêu diệt hàng loạt” trong lịch sử”[14]

Những biện minh cho cuộc xâm chiếm Iraq hiện nay của chính quyền George W. Bush còn khó tin hơn, nếu chúng ta nhớ lại T T Bush I đã đón nhận Saddam Hussein như một đồng minh và một đối tác thương mãi sau khi Saddam đã phạm các tội ác tầy đình – vụ sử dụng hơi ngạt Halabja gassing, vụ thảm sát al-Anfal… Vào thời điểm đó, Saddam Hussein, được Hoa Thịnh Đốn và Luân Đôn hậu thuẫn mạnh mẽ , còn nguy hiểm hơn Saddam vào đầu năm 2003 rất nhiều.

Không ai, kể cả Donald Rumsfeld, có thể ước tính cái giá phải trả và các hậu quả trong thực tế của cuộc xâm lăng Iraq.

Các phần tử cực đoan Hồi Giáo chắc chắn hy vọng cuộc chiến sẽ gây nhiều thương vong và điêu tàn cho Iraq, như vậy, sẽ giúp họ thêm dễ dàng tuyển chọn tân binh thánh chiến. Họ cũng hoan nghênh chủ thuyết Bush, quyền tấn công chống lại các đe dọa tiềm tàng. T T Bush tuyên bố “không cần nói rõ bao nhiêu cuộc chiến cần thiết để đảm bảo tự do cho quốc nội”. Đúng vậy! Ngày nay, khủng bố đe dọa khắp nơi, ngay cả bên trong Hoa Kỳ. Giải pháp “chiến tranh thường trực” (endless war)đã đem lại nhiều nguy cơ lớn lao cho người Mỹ, hơn cả kẻ thù tiềm tàng của họ.

Trong cuốn Journey of the Jihadist (2006), một công trình nghiên cứu chi tiết về các phong trào thánh chiến, tác giả Fawaz Gerges ôn lại, sự kiện 11/9 đã bị phe thánh chiếnlên án gắt gao, một cơ hội cho người Mỹ ly gián phe thánh chiến với bin Laden. Nhưng Bush đã vội vã dùng bạo lực và xâm chiếm Iraq, một hành động giúp hàn gắn hai phe và tạo ra một đe dọa khủng bố nghiêm trọng hơn nhiều.

Hai mươi bảy năm trước , nguyên chỉ huy tình báo quân sự Israel và cũng là nhà A- Rập-học hàng đầu, Yehoshafat Harkabi, đã đúng khi viết: Đem lại một giải pháp danh dự cho người Palestine liên quan đến quyền tự quyết, đó là giải pháp cho vấn đề khủng bố. Khi đầm lầy biến mất, muỗi sẽ không còn[15].

Vào thời điểm đó, Israel đang an toàn, khỏi sợ trả đũa trong vùng lãnh thổ chiếm đóng. Ngày nay, lời cảnh cáo của Harkabi vẫn rất thích hợp, và bài học có phạm vi áp dụng rộng rãi hơn.

Trước biến cố 11/9, người ta đã hiểu, với kỹ thuật mới, các nước giàu và quyền lực sẽ mất độc quyền nắm giữ các phương tiện bạo động và có thể tự chuốc lấy các biến động tàn khốc ngay bên trong đất nước.  Nếu chúng ta quyết chí tạo thêm đầm lầy, thế tất tai họa muổi sẽ nhiều và đáng sợ hơn.

Nếu người Mỹ dùng tài nguyên giải quyết các đầm lầy hay giải quyết tận gốc rễ các chiến dịch thù hận, họ có thể không những giảm thiểu các đe dọa đang đối diện, mà còn có thể sống xứng đáng với lý tưởng họ thường xuyên rao giảng. Và điều đó vẫn còn ở trong tầm tay, chỉ cần họ biết chọn lựa một cách nghiêm chỉnh.

Sau khi lật đổ chính quyền Saddam Hussein, Donald Rumsfeld, Bộ Trưởng Quốc Phòng đương nhiệm, đã ví von việc nhà cầm quyền bảo hộ đang tìm cách giải quyết vấn đề Iraq với phương thức dạy trẻ đi xe đạp.

Chúng đang học, và anh đang chạy theo dọc đường tay vịn yên xe. Anh biết rõ nếu buông tay, chúng sẽ té, vì vậy, anh chỉ buông một ngón tay, rồi hai ngón , và chẳng bao lâu anh chỉ cần vịn hờ. Anh không thể biết khi chạy theo dọc lộ, anh sẽ phải chạy theo bao nhiêu bước. Chúng tôi không thể biết điều đó, nhưng chúng tôi đã bắt đầu đúng cách[16]

Hình ảnh một đứa bé Iraq đang tập đi xe đạp, với một phụ huynh Mỹ chạy sát theo sau vịn yên xe, đã bị bỏ rơi, khi đến ngã quẹo đột nhiên đối mặt với một dân quân cầm súng phóng tên lửa.

Sau nhiều năm và nhiều tai họa, người Mỹ, hoặc chính quyền Obama, hoặc báo chí và các nhà bình luận, ở Hoa Thịnh Đốn, vẫn gần như bất lực, không đủ sức duy trì hoặc bảo trợ  việc chiếm đóng Iraq..

Tổng Thống Obama, ngay sau khi lên nắm quyền, đã nhiều lần tuyên bố: Hãy quên đi quá khứ, và ông chỉ muốn nhìn về tương lai với “hy vọng” và “đổi thay”.

Đã hẳn, khác với nạn nhân,  phạm nhân luôn dễ quên tội ác trong quá khứ, quên trách nhiệm, quên trừng phạt, quên chế tài, quên luôn cả đền bù. Và khi nhìn về Trung Đông, Nam Á, châu Mỹ La-Tinh, Phi châu, người ta cũng chưa hề thấy bóng dáng của hy vọng và đổi thay!

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A

03-8-2009


[1] Much of the complicated work of dismantling and removing millions of dollars of equipment from the combat outposts in the city has been done during the dark of night. Gen. Ray Odierno, the overall American commander in Iraq, has ordered that an increasing number of basic operations – transport and re-supply convoys, for example – take place at night, when fewer Iraqis are likely to see that the American withdrawal is not total.

[2] One of the challenges of that new relationship is how the US can continue to wield influence on key decisions without being seen to do so.

[3] …a long-term partner with the United States in the Middle East.

[4] colonialism.

[5]  …new arrangements between Iraq and the United States governing contractors’ legal status.

[6] The Americans were driving along a road used exclusively by the American military and reconstruction teams when a bomb , which local Iraqi security officials described as an improvised explosive device, went off. No Iraqi vehicles , even those of the army and the police, are allowed to use the road where the attack occurred, according to residents. There is a checkpoint only 200 yards from the site of the attack to prevent unauthorized vehicles, the residents said.

[7] …would rapidly disintegrate.

[8] …taking Sadam out was essential.

[9] The United States is only “halfway through this war”.

[10] Why do they hate us?

[11] The “campaign of hatred” against us [in the ARab world] not by the governments but by the people.

[12] In Pakistan, there is growing anger that U.S. support is allowing (Musharraf’s) military regime to delay the promise of democracy.

[13] While the United Satates regularly denounces various countries as rogue states, in the eyes of many countries it is becoming the rogue superpower…the single greatest external threat to their societies.

[14] …perhaps more people than have been slain by all so-called weapons of mass destruction throughout history.

[15] To offer an honorable solution to the Palestinians respecting their right to self-determination: that is the solution of the problem of terrorism. When the swamp dissapears, there will be no more mosquitoes.

[16] They’re learning, and you’re running down the street holding on to the back of the seat. You know that if you take your hand off they could fall, so take a finger off and then two fingers, and pretty soon you’re just barely touching it. You can’t know that, but we’re off to a good start.

 

             ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường