NGƯỜI MỸ THEO CÁCH NHÌN CỦA NGƯỜI ÂU CHÂU

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ nghiễm nhiên trở thành siêu cường duy nhất. Với sức mạnh quân sự vô song và mạng lưới các căn cứ quân sự ở hải ngoại, người Mỹ đã áp đặt một trật tự thế giới mới, đã hẳn, để phụng sự quyền lợi của chính mình.

Hơn sáu triệu người Mỹ, chưa kể các nhân viên trực thuộc chính quyền, hiện đang sinh sống và làm việc khắp năm châu. Trong sinh hoạt hàng ngày, họ đã và đang phải đối diện với nhiều câu hỏi hóc búa từ người bản xứ, nhất là người Bắc Âu, hiện ngày một băn khoăn hơn về lối ứng xử kỳ lạ và khó hiểu của Hoa Kỳ.

Những thành phần lễ độ, thường e dè không muốn làm buồn lòng khách nước ngoài, than phiền thái độ hiếu chiến, hành xử ngang ngược, kiêu căng, thô lỗ , và tự xem mình như biệt lệ, đã tiếp diễn quá lâu để có thể được xem như thời kỳ thiếu trưởng thành. Thái độ nầy có nghĩa người Mỹ ở hải ngoại thường được yêu cầu lý giải lối hành xử của siêu cường duy nhất, nay đang rõ ràng tuột dốc và ngày một thiếu thích ứng với thế giới bên ngoài.

Ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, người Mỹ ở hải ngoại đã từng được xem như mẫu người đáng thèm muốn, và Hoa Kỳ đã được trọng vọng và khen ngợi vì nhiều lý do không cần thiết phải được phân tích ở đây.

Hiển nhiên, tình hình nay đã thay đổi. Ngay cả sau khi Hoa Kỳ xâm lăng Iraq vào năm 2003, nhiều người Trung Đông vẫn chưa muốn phán xét Hoa Kỳ. Họ nghĩ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện chấp nhận George W. Bush như tổng thống là một lỗi lầm cử tri Hoa Kỳ có thể chấn chỉnh trong cuộc bầu cử 2004. Sự kiện tái đắc cử của Bush đã báo hiệu một chấm dứt thực sự của một Hoa Kỳ như thế giới đã từng biết trước đây. Bush đã khởi động một cuộc chiến, trước sự chống đối của toàn thế giới, vì lẽ Bush muốn và Bush có thể làm. Đa số người Mỹ đã hổ trợ Bush. Và chính vào lúc đó tất cả mọi vấn đề phiền toái đã thực sự bắt đầu.

Vào đầu mùa thu 2014, du khách Hoa Kỳ thăm viếng Đông và Trung Âu đã cho biết phần lớn các câu hỏi thường gặp đều xoay quanh đề tài: Phải chăng người Mỹ đã khùng điên?

Trong cùng lúc, ngay tại Hoa Kỳ, hầu hết người Mỹ không hề hay biết người nước ngoài hiện đang nhìn họ một cách khác thường. Theo nhận định của Ann Jones, một tác giả Mỹ được trọng vọng, sinh sống ở Na Uy, và chu du hầu như khắp thế giới, người nước ngoài thường hiểu rõ người Mỹ hơn người Mỹ trung bình hiểu về họ. Lý do một phần vì thông tin do các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ quảng bá thường mang tính tự kỷ, và vì vậy, có quan điểm hết sức hạn chế về xứ sở của mình cũng như về cảm nghĩ và tư duy của người khác xứ, ngay cả các xứ người Mỹ đã xâm chiếm trước đây, hiện nay, hay đang đe dọa. Chỉ riêng thái độ hiếu chiến, chưa nói gì đến các xảo thuật tài chánh, đang buộc thế giới bên ngoài phải luôn theo dõi và đề phòng. Xét cho cùng, chẳng ai biết được chính họ cũng có thể bị Hoa Kỳ lôi kéo vào một cuộc xung đột nào đó sắp tới, như một mục tiêu hay một đồng minh bất đắc dĩ.

Vì vậy, người Mỹ ở hải ngoại, dù định cư ở đâu trên hành tinh, vẫn luôn gặp nhiều người muốn bàn luận về các biến cố mới nhất ở Mỹ, dù lớn hay nhỏ: một xứ bị không lực Mỹ oanh tạc vì lý do “an ninh của Mỹ,” “một cuộc xuống đường phản đối hòa bình đã bị cảnh sát ngày một quân sự hóa của chính Hoa Kỳ đàn áp”, “các cuộc tranh luận kịch liệt công kích guồng máy chính quyền ngày một bành trướng bởi một ứng cử viên hy vọng lên nắm chính quyền ở Hoa Thịnh Đốn.” Các tin tức như thế thường gây thắc mắc cho người nước ngoài muốn tìm hiểu.

CÁC CÂU HỎI MANG TÍNH THỜI SỰ

Thử duyệt qua các vấn đề trong sáu năm qua dưới chính quyền Obama luôn ám ảnh người Âu và cũng là những vấn đề 1,6 triệu người Mỹ sinh sống ở Âu Châu thường được chất vấn.

Vấn đề đầu tiên thường gặp: “Tại sao có người có thể chống đối chương trình y tế công?” — một chương trình thiết yếu mang tính xã hội và nhân đạo, các quốc gia Âu châu và các xứ kỹ nghệ hóa luôn thực thi từ các thập kỷ 1930 hay 1940, Đức Quốc từ 1880. Vài dạng thức, như ở Pháp và Anh Quốc, đã biến thái thành một hệ thống với hai thành tố công và tư. Tuy vậy, giới đặc quyền, dù phài trả tiền túi trong một hệ thống riêng với dịch vụ nhanh chóng, vẫn không ganh tị với chương trình y tế miễn phí do chính quyền đài thọ và dành cho các công dân nghèo khó. Nhiều người Mỹ lại cho người Âu châu thật khó hiểu, nếu không phải thực sự tàn nhẫn.

Trong các xứ Bắc Âu, từ lâu đã được xem như tiền tiến nhất thế giới trên bình diện xã hội, một chương trình y tế quốc gia (vật lý và tâm thần) do chính quyền tài trợ, chiếm một bách phân đáng kể — nhưng cũng chỉ là một phân bộ của hệ thống phúc lợi xã hội rộng lớn hơn. Ở Na Uy, mọi công dân đều bình đẳng trên bình diện tiếp cận hệ thống giáo dục (nhà giữ trẻ từ 1 tuổi do nhà nước trợ cấp, và giáo dục miễn phí từ 6 tuổi cho đến giáo dục kỹ thuật và chuyên môn, giáo dục cấp đai học và hậu đại học), trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tìm việc làm và tái huấn luyện, trợ cấp nghỉ phép vì lý do gia đình, lương hưu trí, và nhiều phúc lợi xã hội khác.

Các phúc lợi đó không phải chỉ là mạng lưới an toàn khẩn cấp — có nghĩa, các trợ cấp nhân đạo bất đắc dĩ cho giới nghèo. Đó là các quyền lợi phổ quát: dành cho mọi công dân như một nhân quyền, nhằm tạo dựng một “xã hội hài hòa” hay “an bình quốc nội” (domestic tranquility), như theo ngôn từ của hiến pháp Hoa Kỳ. Đó là lý do tại sao trong nhiều năm, các nhà quan sát quốc tế đã đánh giá Na Uy như quốc gia tốt nhất cho người già, phụ nữ, và trẻ con. Danh nghĩa “nơi sinh sống tốt nhất hay hạnh phúc nhất trên hành tinh” đã được dành cho sự thi đua giữa các xứ lân bang trong vùng, giữa Na Uy và các xứ dân chủ xã hội Bắc Âu — Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, và Iceland.

Ở Na Uy, tất cả các quyền lợi xã hội đều được tài trợ bằng số thu nhập với thuế lũy tiến. So với bí ẩn kinh dị của bộ luật thuế Hoa Kỳ, luật thuế vụ Na Uy hết sức minh bạch và đơn giản: thuế lũy tiến đánh trên lợi tức lao động và hưu bổng. Những ai có lợi tức cao đều phải chịu thuế nhiều hơn. Cơ quan thuế vụ tính thuế, công bố số thuế phải trả hàng năm, và dân chịu thuế, mặc dù được quyền tự do tranh luận ngạch số, luôn sẵn sàng thanh toán — hiểu rõ những gì họ và gia đình được thụ hưởng. Và vì mục tiêu của chính sách luôn nhằm tái phân tài phú và thực sự hướng đến thu hẹp “hố cách biệt lợi tức dù không đáng kể”, hầu hết dân Na Uy đều sinh sống thoải mái cùng hội cùng thuyền.

SINH SỐNG VÀ TỰ DO

Hệ thống mô tả trên đây không phải tự nhiên mà có. Hệ thống đã được hoạch định. Thụy Điển là xứ tiên phong trong thập kỷ 1930, và tất cả 5 xứ Bắc Âu, trong thời kỳ hậu chiến, cũng đã góp phần vào việc khai triển dạng thức riêng của mình, được mệnh danh là “Mô Hình Bắc Âu” hay “Nordic Model”: một thế quân bình trong chủ nghĩa tư bản được quy định, phúc lợi xã hội phổ quát, dân chủ chính trị, và bình đẳng giới tính và kinh tế, của hành tinh.

Đó là hệ thống của các xứ Bắc Âu. Họ sáng chế ra hệ thống. Họ ưa thích hệ thống. Mặc dù các nỗ lực của một chính quyền bảo thũ đó đây đôi khi tìm cách gây xáo trộn, các xứ nầy luôn duy trì hệ thống.

Tại sao?

Trong tất cả các xứ Bắc Âu, người ta thấy có một đồng thuận rộng rãi bên trong quang phổ chính trị: chỉ khi nào các nhu cầu cơ bản của người dân được thỏa mãn — khi họ có thể không phải âu lo về công ăn việc làm, về lợi tức, về nhà cửa, về vận tải, về săn sóc y tế, về giáo dục của con em, và về nhu cầu của cha mẹ già yếu — chỉ khi đó họ mới có thể tự do làm những gì họ thích.

Trong khi Hoa Kỳ chỉ bằng lòng với ảo tưởng: vừa lọt lòng mẹ, mọi trẻ em có cơ hội đồng đều theo đuổi “giấc mơ Hoa Kỳ”, các hệ thống phúc lợi xã hội Bắc Âu chỉ tìm cách đặt nền móng cho một sự bình đẳng và một chủ nghĩa cá nhân đích thực hơn — “foundations for a more authentic equality and individualism.”

Những ý tưởng trên đây cũng chẳng có gì mới mẻ. Chúng ta cũng có thể tìm thấy trong lời tựa hay mở đầu của Hiến Pháp Hoa Kỳ. Như nhiều người đã biết, phần mở đầu:“Chúng ta, Nhân Dân” tạo dựng “một Liên Hiệp hoàn hảo hơn” để “phát huy Phúc Lợi chung, và bảo đảm Phước Lành Tự Do cho chính chúng ta và Hậu Thế.”

Ngay cả trong quá trình chuẩn bị quốc dân trước Đệ Nhị Thế Chiến, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt, trong bài diễn văn về Tình Trạng Liên Bang năm 1941, cũng đã phác họa các thành tố của Phúc Lợi chung vừa nói. Trong số những thành tố căn bản đơn thuần phải luôn ghi nhớ, Tổng Thống Roosevelt đã liệt kê “cơ hội bình đẳng cho giới trẻ và mọi người, công ăn việc làm cho những ai có thể làm việc, an ninh cho những ai cần an ninh, chấm dứt các đặc quyền cho thiểu số, bảo toàn tự do dân sự cho mọi người,” và vâng, thuế suất cao để tài trợ các thứ đó cũng như các vũ khí tự vệ.

Hiểu rõ người Mỹ đã quen hỗ trợ các ý tưởng vừa kể, người Na Uy rất đổi kinh ngạc khi được biết một CEO của một đại công ty Hoa Kỳ đã có một lợi tức khoảng từ 300 đến 400 lần lợi tức của một công nhân trung bình. Hay Thống Đốc Sam Brownback của Kansas và Chris Christie của New Jersey đã tăng trần công trái của tiểu bang để giảm thuế cho giới giàu, và hiện có kế hoạch bù đắp số thuế thất thu bằng biện pháp sử dụng quỹ hưu bổng của công nhân viên khu vực công.

Đối với người dân Na Uy, nhiệm vụ của chính quyền là phân phối tài phú của quốc gia một cách càng bình đẳng càng tốt, không phải nhằm làm giàu cho “thiểu số một phần trăm.”

Trong công tác hoạch định, người Na Uy có khuynh hướng làm việc một cách tương đối chậm rãi, luôn nghĩ về lâu về dài, trong viễn kiến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai hậu. Chính vì vậy, người Na Uy, hay bất cứ người Bắc Âu nào khác, đều kinh ngạc khi được biết 2/3 số sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ đều thiếu nợ, một số nợ lắm khi vượt quá 100.000 USD. Hay ở Hoa Kỳ, vẫn còn là nước giàu nhất thế giới, 1/3 trẻ con còn sống trong cảnh nghèo nàn, cũng như 1/5 thanh niên từ 18 đến 34 tuổi. Và các cuộc chiến phung phí hàng nghìn tỉ mỹ kim gần đây đã được tài trợ bằng tín dụng — món nợ các thế hệ con em sau nầy sẽ phải thanh toán. Thật phũ phàng và tàn nhẫn!

Âm hưởng của sự tàn nhẫn, hay một thể loại vô-nhân-tính thiếu-văn-minh (uncivilized inhumanity), luôn bàng bạc phơi bày trong nhiều câu hỏi của giới quan sát nước ngoài về Hoa Kỳ: Bằng cách nào các bạn có thể thiết lập và duy trì “trại tập trung ở Cuba”, và tại sao các bạn không thể nào đóng cửa? Hoặc: Bằng cách nào các bạn có thể tự nhận Hoa Kỳ là một quốc gia Cơ Đốc Giáo, cùng lúc vẫn duy trì án tử hình? Và bằng cách nào các bạn có thể chọn vào chức vụ tổng thống một người tỏ vẻ hãnh diện vì đã xử tử công dân mình với nhịp độ nhanh nhất trong lịch sử Texas? Người Âu Châu sẽ không sớm quên được George W. Bush!

Cũng theo Ann Jones, người Mỹ ở nước ngoài cũng đã thường phải trả lời nhiều câu hỏi tóm lược sau đây:

*Tại sao người Mỹ các bạn không thể ngừng xen vào vấn đề săn sóc y tế của phụ nữ?

* Tại sao các bạn không thể hiểu được khoa học?

* Bằng cách nào các bạn vẫn không thể thấy được thực tại biến đổi khí hậu?

* Làm sao các bạn có thể luôn thuyết giảng về thượng tôn luật pháp trong khi các tổng thống của các bạn luôn chà đạp luật lệ quốc tế để gây chiến bất cứ lúc nào họ muốn?

* Bằng cách nào các bạn có thể trao quyền làm nổ tung hành tinh cho một người tầm thường đơn độc?

* Làm sao các bạn có thể dẹp bỏ các Thỏa Ước Geneva và các nguyên tắc của các bạn khi chủ trương tra tấn?

* Tại sao người Mỹ các bạn ưa thích súng đạn đến thế? Tại sao các bạn giết nhau nhiều đến thế?

Đối với nhiều người nước ngoài, câu hỏi khó hiểu và quan trọng nhất luôn là: Tại sao các bạn gửi quân đội ra khắp thế giới để gây khuấy động và rắc rối ngày một nhiều cho chúng tôi đến thế?

Câu hỏi cuối cùng trên đây là đặc biệt cấp bách vì lẽ nhiều xứ trong lịch sử luôn thân thiện với Hoa Kỳ, từ Úc đến Phần Lan, hiện đang chật vật trợ giúp làn sóng những người tỵ nạn nhập cư do các cuộc chiến và can thiệp của Hoa Kỳ.

Trong khắp khu vực Tây và Bắc Âu, các đảng phái cánh hữu, hiếm khi hay chẳng bao giờ giữ một vai trò nào đó trong chính quyền, nay đột nhiên tham gia làn sóng chống đối các chính sách nhập cư đã được thiết lập từ lâu. Chỉ trong tháng rồi, một đảng cánh hữu suýt lật đổ chính quyền dân chủ xã hội đương nhiệm của Thụy Điễn, một xứ bao dung cho đến nay đã luôn đón nhận một tỉ số dân tỵ nạn lớn hơn nhiều so với các xứ lân bang, nay đang gặp khó khăn đương đầu với làn sóng tỵ nạn lẫn tránh “các đợt sóng gây sốc của lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhất thế giới”, (the finest fighting force that the world has ever known).

PHƯƠNG CÁCH CỦA NGƯỜI BẮC ÂU

Người Âu Châu hiểu, trong khi người Hoa Kỳ hình như chưa hiểu, sự liên kết chặt chẽ giữa các chính sách đối nội và đối ngoại của một xứ. Họ thường truy nguyên cách xử sự thiếu cẩn trọng của Hoa Kỳ trên thế giới luôn bắt nguồn từ sự kiện người Mỹ thường từ chối chỉnh đốn các sinh hoạt trong nội bộ.

Họ quan sát thấy Hoa Kỳ đã làm tan rã mạng lưới an toàn mong manh của mình, thiếu canh tân hạ tầng cơ sở, làm suy yếu lực lượng lao động có tổ chức, không mấy quan tâm đến các cơ sở giáo dục và trường ốc, làm tê liệt ngành lập pháp, và gây tình trạng bất quân bình kinh tế và xã hội trầm trọng trong gần một thế kỷ nay.

Họ hiểu được nguyên nhân tại sao người Mỹ, ngày một thiếu an ninh cá nhân và hầu như thiếu vắng một hệ thống phúc lợi xã hội, đã ngày một âu lo và ghê sợ. Họ cũng hiểu được lý do vì sao nhiều người Mỹ đã mất hết lòng tin ở một chính quyền rất ít quân tâm đến họ trong hơn ba thập kỷ vừa qua, ngoại trừ “nỗ lực y tế Obama” không ngừng bị tấn công, một đề xuất dưới mắt người Âu Châu vẫn còn quá khiêm tốn.

Tuy vậy, đa số người Âu Châu vẫn cảm thấy khó hiểu tại sao ngày một nhiều người Mỹ bình thường đã được thuyết phục phải ghét bỏ “chính quyền khổng lồ”, lại ủng hộ các đại diện mới được người giàu mua chuộc và trả lương. Làm thế nào để giải thích thái độ nghịch lý đó?

Ở thủ đô Na Uy, nơi bức tượng Tổng Thống Roosevelt đăm chiêu nhìn ra bến cảng, nhiều người quan sát nước Mỹ thầm nghĩ: ông ta có thể đã là vị Tổng Thống Hoa Kỳ cuối cùng hiểu rõ và có thể giải thích cho công dân Mỹ những gì chính quyền Mỹ đã có thể làm cho họ. Nhưng người Mỹ luôn tất bật kiếm sống, đã quên mọi sự, sẵn sàng trút mọi tội lỗi lên đầu các kẻ thù xa lạ ở những nơi xa xôi — hay bên ngoài khu phố họ đang sống.

Thật khó lòng để biết tại sao chúng ta luôn là chúng ta, chẳng phải một ai khác, và còn khó khăn hơn để giải thích điều đó cho người khác. Khùng điên là một từ quá thô bạo, quá rộng lớn và mơ hồ, để định danh vấn đề. Vài người nước ngoài tin Hoa Kỳ “đa nghi”, “chỉ nghĩ đến riêng mình”, “lạc hậu”, “hão huyền”, “tham lam”, hay đơn thuần “khờ khạo.” Một vài người khác khoan dung hơn, ám chỉ người Mỹ đơn thuần “thiếu thông tin”, “bị lừa dối”, hay “mê muội”, và còn có thể phục hồi lương tri.

Nhưng dù đi đến đâu ở các nước ngoài, người Mỹ cũng gặp những câu hỏi tương tự, gợi ý Hoa Kỳ, nếu không khùng điên, vẫn luôn là một bất trắc hay hiểm tai cho chính mình và cho người khác. Hoa kỳ cần sớm thức tỉnh và nhìn quanh, vì cũng đã khá muộn màng.

Bên ngoài vẫn còn có một thế giới khác, một thế giới cũ và thân thiện bên kia bờ đại dương, và một thế giới đầy những ý tưởng tốt, đã được thử thách và trung thực.

Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
03-2-2015